Nội Dung
Nếu bạn giỏi tiếng Anh thực sự thì bạn chắc chắn sẽ phải thành thạo cả 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết vậy nên hôm nay mình sẽ chia sẻ những thắc mắc của các bạn về kỹ năng viết tốt tiếng Anh trong dịch thuật. Lời đầu tiên mình xin chia sẻ bí quyết đó là bạn phải viết thật nhiều từ mới và cố gắng ghi nhớ và thường xuyên nhắc lại để tránh bị quên.
Theo như nghiên cứu thì chúng ta sẽ quên khi chúng ta không nhắc lại nó trong khoảng thời gian là 30 ngày.
Chúng ta phải viết tiếng Anh nhiều hơn chúng ta tưởng, biên dịch văn bản, thông qua email, thư mời, báo cáo hay thông báo. Và việc viết tiếng Anh đúng cách, rõ ràng là điều kiện quyết định đến kết quả công việc.
Dù bạn viết email, biên dịch hay báo cáo thì cũng đều phải có mục đích của mình. Ví dụ, bạn viết email để hướng dẫn khách hàng sử dụng sản phẩm của công ty bạn, bạn viết báo cáo để lãnh đạo và các bộ phận khác trong công ty nắm được tình hình công việc mà bạn đã và đang làm, bạn viết chương trình nghiên cứu (proposal) để thuyết phục các trường đại học cấp học bổng cho bạn,… Dù có mục đích là gì thì trước khi viết, hãy xác định thật rõ mục đích ấy. Mục đích rõ ràng là điều kiện đầu tiên đảm bảo cho bài viết của bạn dễ hiểu, đủ thông tin.
Đừng vội lao vào viết các đoạn văn ngay. Hãy liệt kê những ý chính thành những gạch đầu dòng sao cho những ý chính này phù hợp và đầy đủ so với mục đích của bạn. Hay khi biên dịch tiếng Anh sang tiếng Việt chẳng hạn, bạn cũng nên gạch đầu dòng những ý chính của bài dịch sau đó liên kết các phần sao cho bài dịch trôi chảy và cuốn hút nhất.
Những ý trong những gạch đầu dòng này cũng phải có sự liên hệ với nhau, liên quan với nhau một cách hợp lý. Nếu không, bài viết của bạn sẽ rất lộn xộn, không có định hướng.
Tùy theo mục đích viết mà bạn sẽ chọn những cấu trúc bài viết cho phù hợp. Có thể coi cấu trúc như khung xương của bài viết. Dựa trên cấu trúc này, bạn sẽ triển khai các ý chính trở thành những đoạn văn, những câu văn.
Khi học môn Tập làm văn trong tiếng Việt, chúng ta đã được học rằng mỗi bài văn phải bao gồm: mở bài – thân bài (gồm nhiều đoạn văn khác nhau triển khai ý chung của toàn bài) – kết luận. Trong dịch tiếng Anh, cấu trúc này vẫn đúng. Nhưng đối với những mục đích viết khác nhau thì sẽ có những cấu trúc cụ thể khác nhau.
Nếu bạn viết một bài hướng dẫn sử dụng (dạng how-to) thì hãy dùng cấu trúc như chính bài viết này. Có thể bạn chia thành từng mục đánh số 1-2-3-4-…, hoặc cũng có thể không đánh số nhưng dùng các từ nối như first, next, then, finally,… để người đọc dễ theo dõi.
Đừng dùng những mẫu câu dài dòng, phức tạp và “hoa lá cành”, hãy nói thẳng vào vấn đề.
Chúng ta thường nghĩ: viết đơn giản thì dễ, còn viết dài và điệu đà mới khó. Thật ra là ngược lại. Để viết được những bài viết đơn giản thì khó hơn nhiều so với viết những bài dài dòng. Đơn giản đồng nghĩa với rõ ràng, sáng sủa và dễ hiểu. Đơn giản đòi hỏi sự rèn luyện viết lâu dài.
Khi mới tập viết, bạn sẽ có xu hướng viết dài dòng, đôi lúc giải thích vòng vo, đôi lúc có những câu “thừa”. Để sửa thói quen này, hãy thử làm như sau: ban đầu, cứ viết tự nhiên, xuất hiện ý nghĩ nào thì cứ viết như vậy. Sau khi viết xong bản nháp này, hãy đọc lại và cắt bớt 1/3 những gì đã viết. Tất nhiên bạn sẽ phải đọc kỹ, cân nhắc, sửa đổi rất nhiều để cắt bỏ được 1/3. Nhờ vậy, bài viết của bạn sẽ ngắn gọn hơn, xúc tích hơn, không còn những câu thừa thãi.
Trừ một số trường hợp mà phải viết theo quy định sẵn (ví dụ, một số trường hợp phải viết báo cáo theo đúng mẫu sẵn), còn lại, chúng ta nên viết theo đúng phong cách, văn phong của mình. Đừng cố gắng bắt chước văn phong của người khác, nó sẽ làm bài viết của bạn gượng gạo và không tự nhiên. Hãy nhớ rằng: bài viết phản ánh những ý tưởng và suy nghĩ của bạn.