Những điều bạn có thể chưa biết về trong dịch thuật lời bài hát

Nội Dung

Tất cả chúng ta đều biết dịch thuật là một công việc khá thú vị song cũng đầy thách thức. Trong một số lĩnh vực đặc biệt là văn hoá – xã hội, văn học nghệ thuật thì dịch thuật còn mang một hàm ý to lớn. Không những phải chính xác, đảm bảo về mặt nội dung mà dịch thuật những chuyên ngành này còn đòi hỏi “cái hồn” của chính tác phẩm. Trước đây, có khá nhiều những giáo viên trẻ có từng chia sẻ về việc chuyển ngữ, dịch thuật lời bài hát từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài để học sinh có thể vừa học vừa thư giãn tăng tính hiệu quả và trực quan cho bài học. Tuy nhiên, theo nhận định chung được chia sẻ của chính những tác giả bản dịch này thì bản dịch vẫn chưa thực sự hài lòng,  trọn vẹn lắm. Vậy dịch thuật lời bài hát từ Việt sang tiếng nước ngoài, từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt sẽ gặp phải những vấn đề gì? dưới đây là một số chia sẻ của các dịch giả hàng đầu, nhiều kinh nghiệm thực tế và họ đã chuyển thể rất nhiều ca khúc tiếng nước ngoài sang thứ ngôn ngữ mà người Việt thực sự yêu mến : ) “Tiếng Việt Nam”.

Những chướng ngại trong dịch thuật lời bài hát.

Đại từ nhân xưng – thách thức phải đương đầu với dịch giả.

Theo như chia sẻ của Dịch giả Ngô Tự Lập về quá trình dịch thuật và chuyển ngữ ca khúc của nhạc sĩ, ca sĩ, nhà thơ, họa sĩ Bob Dylan ra tiếng Việt. Dịch thuật là công việc nhọc nhằn và mạo hiểm, dịch ca từ càng nhọc nhằn và mạo hiểm, bởi dịch giả còn phải vượt qua những khó khăn khác, do những bó buộc của giai điệu và sự khác biệt về ngữ âm. Để ra được một sản phẩm dịch tốt, bản dịch tài liệu chất lượng, bản dịch sách hay từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài không những nội dung phải đảm bảo mà bên cạnh đó nghệ thuật dùng từ, nghệ thuật sử dụng câu chữ phải được vận dụng khéo léo – linh hoạt.

Dịch thuật lời bài hát tiếng nước ngoài sang tiếng Việt

Nhưng trước hết là những khó khăn về sự khác biệt giữa các ngôn ngữ. Một ví dụ là các đại từ nhân xưng. Trong các thứ tiếng phương Tây như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga… với ngôi thứ nhất số ít, chúng ta chỉ có một từ (“I”, “Je” hay” “Я”) trong khi đó tiếng Việt có rất nhiều lựa chọn tùy văn cảnh, thái độ và quan hệ giữa những người nói: “Tôi”, “Tao”, “Ta”, “Mẹ”, “Chị”, “Bác”, “Cô”, “Dì”, “Thầy”…

Có người nói một cách hài hước rằng truyện trinh thám khó phát triển vì ngay từ đầu truyện, các đại từ nhân xưng mang tính khinh miệt (“hắn”, “gã”…) đã buộc hung thủ để lộ chân tướng!

Sự khác biệt trong cách dùng đại từ nhân xưng như vậy đôi khi tạo nên một khó khăn rất lớn, chẳng hạn khi dịch bài hát If Not For You của Bob Dylan. Bài hát mở đầu như sau: “If not for you/ Babe, I couldn’t find the door/ Couldn’t even see the floor/ I’d be sad and blue/ if not for you”.

Các phương án còn nhiều nữa. Nhưng dù chọn phương án nào, chúng ta cũng làm cho ý nghĩa của bài hát nghèo đi. Đó cũng chính là cái khó mà người dịch chuyên ngành, lĩnh vực này vẫn đang chăn trở. Vậy, phải xử lý như thế nào? Nhất là chúng tôi biết rằng đa số người đọc của mình là thiếu nhi. Sau rất nhiều trăn trở, chúng tôi chọn một giải pháp mơ hồ: “Một ngày xa nhau”, mặc dù chưa thể nói là hoàn hảo. Thoạt nhìn, có vẻ mọi thứ đều dễ hiểu, nhưng đó chỉ là thoạt nhìn. Trên thực tế, vấn đề không hề đơn giản. “You” ở đây là ai, số ít hay số nhiều? Nếu đây là một bài tình ca, ta có thể dịch là “Nếu không có em” hoặc “Nếu không có anh”. Nhưng nếu đây là một bài hát về tình cha con hay tình mẹ con, ta hoàn toàn có thể dịch” “Nếu không có con” hay ở dạng số nhiều “Nếu không có các con”. Nếu đây là bài hát về tình bạn, ta có thể dịch: “Nếu không có bạn” hoặc “Nếu không có các bạn”.

Trong trường hợp ca từ của Bob Dylan, việc dịch thuật còn có những khó khăn vì lý do phong cách: Không chỉ sâu sắc, giàu hình ảnh, ca từ của ông còn có đặc điểm là đa nghĩa.

Không giảng giải, không giáo huấn, sự mơ hồ về ý nghĩa, ca từ của Bob để cho các hình ảnh và ẩn dụ gợi những liên tưởng, ám ảnh và mỗi người nghe đều có thể tìm thấy một thông điệp thích hợp. Nói cách khác, ca khúc của ông để lại nhiều khoảng trống để người nghe chủ động tham gia sáng tạo. Có lẽ chính điều đó khiến cho ca khúc của ông phù hợp với nhiều lứa tuổi, nhiều quốc gia và nhiều thời đại. Và có lẽ cũng chính vì thế mà ca khúc của ông có sức sống mạnh mẽ vượt thời gian.

Tôi xin lấy ví dụ là hai bài hát tưởng chừng đơn giản của ông, Blowin’ in the Wind và Knockin’ on Heaven’s Door.

Blowin’ in the Wind được Bob Dylan sáng tác năm 1962, khi ông mới có 21 tuổi, và nhanh chóng trở nên nổi tiếng toàn cầu, trở thành thánh ca của phong trào phản chiến và cuộc đấu tranh đòi quyền dân sự tại Hoa Kỳ.

Blowin’ in the Wind là một bài hát thuộc dòng nhạc đồng quê (country). Một đặc điểm của loại nhạc này là ca từ và giai điệu thường được thêm thắt hoặc biến đổi ít nhiều ở các đoạn khác nhau, hay thậm chí ở những lần biểu diễn khác nhau, tuy vẫn giữ nét giai điệu chủ đạo.

Điều này đặc biệt rõ nét trong trường hợp tác giả ca khúc cũng là ca sĩ, như trường hợp Bob Dylan. Một ví dụ, câu đầu của đoạn 1 là: “How many roads must a man walk down” nhưng trong câu đầu của đoạn 2 và đoạn 3, Bob Dylan thêm từ “Yes” như một nốt hoa mỹ, và câu hát trở thành: “Yes, how many years can a mountain exist” và “Yes, how many times must a man look up”.

Tương tự như vậy, so với câu bốn của đoạn 1, câu bốn của đoạn 2 nhiều hơn một nốt, vì “allowed” nhiều hơn “sleep” một nguyên âm. Đặc điểm này tùy trường hợp có thể gây khó khăn hay tạo thuận lợi cho chúng ta khi dịch ca từ. Trong bài hát Bob Dylan chỉ đưa ra hàng loạt câu hỏi và một câu trả lời mà nhiều người cho là mơ hồ.

Trong bài có chỗ đặc biệt đáng chú ý, đó là từ “man” câu đầu tiên và điệp khúc. Một số người cho rằng “man” trong “How many roads must a man walk down/ Before you call him a man?” nên dịch là “con người”. Tôi cho rằng dịch như vậy cũng không sao, nhưng dịch là “đàn ông” sẽ hợp lý hơn nếu lưu ý rằng tác giả là nam, rằng bài hát được sáng tác vào đầu thập niên 1960, khi xã hội nam quyền còn mạnh.

Nó gần với câu “Làm trai cho đáng nên trai/ Phú Xuân đã trải Đồng Nai cũng từng”. Về đoạn điệp khúc, mới đây trên Facebook, dịch giả Trịnh Lữ đưa ra một các hiểu theo tôi rất thú vị: “Lời đáp đang thảng thốt trong gió đấy, bạn hãy lắng nghe, sẽ thấy…” Ông viết: “Triết lý sâu sắc của bài hát ẩn chứa ở lời điệp khúc này. Muốn giải đáp những hoang mang của đời, chỉ cần tĩnh trí lắng nghe hơi thở của trời đất, để mình nối liền lại với mạch sống của bản thể lớn, sẽ nhớ ra những lẽ phải trái, thật giả, thiện ác… và sẽ biết mình phải nương theo ngả nào trong mê cung của cõi người”.

Đây là cách hiểu rất tinh tế, sâu sắc và thú vị, làm giàu cho bài hát. Nhưng theo tôi, cách hiểu này mang nhiều đóng góp cá nhân của Trịnh Lữ rất đáng trân trọng.

Nhưng nghiên cứu bối cảnh sáng tác bài hát, tôi tin rằng nó có thông điệp cụ thể hơn, trực tiếp hơn, đó là vấn đề nhân quyền và chiến tranh, trong đó có chiến tranh Lạnh và chiến tranh Việt Nam đang giai đoạn khởi đầu: Đáp lại những câu hỏi day dứt của ông, câu trả lời chỉ là tiếng gió. Cũng có nghĩa là không có câu trả lời.
Nó làm tôi nhớ đến bài hát Where have all the flowers gone? (Những bông hoa đâu cả rồi?) của Pete Seeger, người có nhiều ảnh hưởng đối với Bob Dylan, cũng với câu hỏi không lời đáp lặp đi lặp lại: “When will they ever learn?/ When will they ever learn?” (Biết đến bao giờ người ta mới hiểu?/ Biết đến bao giờ người ta mới hiểu).

Bài Blowin’ in the Wind được Dylan và Joan Baez hát trước 250 nghìn người tại Cuộc diễu hành Washington (March on Washington) phản đối chiến tranh và đòi quyền tự do dân sự ngày 28/8/1963. Trong cuộc diễu hành đó, Martin Luther King, Jr. đã có bài phát biểu I have a dream (Tôi có một ước mơ) nổi tiếng. Tôi tin rằng bài hát đã ít nhiều gợi cảm hứng cho Trịnh Công Sơn. Chính vì thế, tôi đã dịch nhan đề của nó bằng nhan đề bài hát của của Trịnh Công Sơn: Để gió cuốn đi.

Lời bài hát được dịch về tiếng Việt Nam

Việc dịch bài Knockin’ on Heaven’s Door (Gõ cửa thiên đàng), còn nhiều chuyện để bàn hơn.

Một số người nghĩ rằng đó là một ca khúc phản chiến – và trên thực tế chúng ta cũng có thể và có quyền hát nó như một bài hát phản chiến. Tuy nhiên, Knockin’ on Heaven’s Door mới đầu được Bob Dylan sáng tác cho bộ phim miền Tây Pat Garett and Billy the Kid (1973). Đó là lời của một kẻ hấp hối nói với vợ, vì thế nó có thể được dịch – để hát – thành:

Nhưng ai có quyền cấm người nghe và người hát coi đó là một bài ca phản chiến? Tách ra khỏi bối cảnh của bộ phim, nó có thể là lời một người lính đang hấp hối nói với mẹ.

Khi đó, trong tiếng Việt, ta phải thay đại từ nhân xưng: “Má, tháo giúp chiếc lon ra giùm con/ Con hết muốn mang trên vai mình/ Trời đất đã tối như bưng ngoài kia/ Tưởng như con đang gõ lên cửa thiên đường” và, đoạn hai: “Má, ném súng ra sân đi giùm con/ Con không bắn thêm một viên nào/ Kìa những đám mây đen đang trùm lên/ Tưởng như con đang gõ lên cửa thiên đường …”

Chưa hết. Người ta thậm chí còn có thể dịch nó thành những lời giận dữ, thậm chí tục tằn hơn: “Má, tháo giúp chiếc lon ra giùm tao/ Tao hết muốn mang trên vai mình/ Trời đất đã tối như bưng ngoài kia/ Tưởng như tao đang gõ lên cửa thiên đường…”

Sự đơn giản nhưng đa nghĩa khiến chúng ta buộc phải – và có quyền – lựa chọn những cách hiểu và các dịch khác nhau. Tính đa nghĩa khiến ca từ của Bob Dylan khó hiểu, khó dịch, nhưng cũng là lý do khiến nó hay, giàu có. Nó cho phép chúng ta có nhiều quyền sáng tạo trong cảm thụ và làm cho việc dịch nó đem lại nhiều niềm vui thích. Nhưng nghĩ cho cùng đa nghĩa cũng chính là đặc điểm chung của mọi kiệt tác: Khi không nói gì cụ thể, người ta lại nói được nhiều hơn. Văn học dân gian như thế, văn học bác học cũng thế. Từ đồng dao đến Kinh Thánh.

5/5 - (3 bình chọn)